MONE POND }
GIFU SHIRAKAWAGO
TAKAYAMA JTEC SINCE 1996
Hida Great Limestone Cave
Hida Beef }
}
GERO ONSEN }
Japanese Chef Knives Seki Japan }
GUJYO HACHIMAN CASTLE }

VĂN HÓA NHẬT BẢN

Nghề Hướng dẫn viên du lịch Outbound

13/04/2017

-

NGUYỄN VĂN QUANG

-

0 Bình luận

Nghề Hướng dẫn viên du lịch Outbound

Nghề nào khiến cho bạn được đi đây đi đó khắp nơi trên thế giới? Không những không mất tiền mà còn được trả tiền? Có nhiều nghề như làm báo, nhà thuyết trình... Nhưng một nghề thú vị hơn cả có lẽ là Hướng dẫn viên du lịch Outbound (HDV Outbound).

Những năm gần đây, nghề HDV Outbound được nhắc đến như một nghề hấp dẫn, có nhiều đãi ngộ, điều kiện làm việc "sung sướng", môi trường làm việc đa quốc gia.

HDV theo định nghĩa chung là người sử dụng ngôn ngữ để giới thiệu và giải thích cho du khách hiểu và thấy được vẻ đẹp, nét đặc trưng của các cảnh, điểm văn hóa cũng như thiên nhiên của một vùng, một điểm tham quan cụ thể hay tổng hợp của cả một chuyến đi tại một đất nước hoặc vùng, miền nào đó.

Nói cách khác, HDV là người thực hiện các điều khoản được ký kết trong hợp đồng cung ứng dịch vụ lữ hành, giúp doanh nghiệp lữ hành thu được lợi nhuận kinh tế và giúp du khách hiểu biết thêm về điểm đến (điểm tham quan) thông qua chuyến đi và các thông tin cung cấp cho du khách. Nghề hướng dẫn viên du lịch gồm có HDV Inbound, HDV Outbound và HDV nội địa. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới hoạt động du lịch dành cho HDV Outbound – đưa khách Việt Nam đi nước ngoài.

Hướng dẫn viên du lịch cần: đi nhiều, biết rộng, hiểu sâu, giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, luôn tự tin trong giao tiếp và biết cách quản lý con người.
Về cơ bản, điều kiện tiên quyết để hành nghề HDV là phải có thẻ hướng dẫn. Thứ yếu là hướng dẫn viên phải tự trang bị cho mình một nền tảng văn hóa, kiến thức, ngoại ngữ tốt và một bản lĩnh nghề nghiệp để sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống phát sinh nào trong suốt thời gian dẫn tour.

Đối với nghề nghiệp, HDV không được cung cấp những thông tin lệch lạc, vi phạm chính trị và một quy định "bất thành văn" đối với hướng dẫn viên du lịch là không được say xe. Ngoài ra, HDV còn phải hiểu, biết nhiều Luật khác nhau, tập quán địa phương... để hướng dẫn ở mức độ chuẩn mực và thoải mái nhất cho du khách tiếp cận và thích nghi...

Cấp thẻ hành nghề HDV

Tiêu chí của Tổng Cục Du Lịch Việt Nam hiện nay chia ra 2 loại hình HDV cơ bản: Nội địa và Quốc tế. Theo đó, Hướng dẫn viên quốc tế được hướng dẫn cho khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa; hướng dẫn viên nội địa được hướng dẫn cho khách du lịch nội địa là người Việt Nam và không được hướng dẫn cho khách du lịch là người nước ngoài.

Theo Điều 72 Luật Du lịch số 44/2005/QH11, điều kiện hành nghề, tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên:

1. Hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành.

2. Người có đủ các điều kiện sau đây được cấp thẻ hướng dẫn viên nội địa:

a) Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện;

c) Có trình độ trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; nếu tốt nghiệp chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.

3. Người có đủ các điều kiện sau đây được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế:

a) Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện;

c) Có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;

d) Sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.

Hoạt động du lịch Outbound

Tính đến 5/2011 Việt Nam có 11.260 HDV được cấp thẻ, trong đó 6750 HDV có thẻ quốc tế (Nguồn: http://huongdanvien.vn). Việc phân chia phạm vi trong nghề hướng dẫn như vậy chỉ áp dụng trong phạm vi Việt Nam. Trên thực tế, hoạt động du lịch Outbound - đưa khách Việt Nam ra nước ngoài công ty du lịch có thể sử dụng cả hai loại hình thẻ HDV này, thậm chí không cần người có thẻ HDV cũng được, miễn là công ty đó có Giấy phép Lữ hành Quốc tế theo quy định.

Điều này xuất phát thực tiễn của hoạt động du lịch Outbound. Khi có đoàn du lịch ra nước ngoài, công ty du lịch sẽ cử 1 người đi chăm sóc đoàn, thực hiện các thủ tục hải quan, thông thạo tuyến điểm tham quan để đưa đoàn đi đến nơi, về đến chốn, mà từ chuyên môn gọi là Trưởng đoàn - Tour Leader, viết tắt là T/L. Còn việc hướng dẫn, thuyết minh cho du khách đã có HDV địa phương đảm nhiệm. Trong nghề thường gọi những T/L là "HDV không thẻ".

T/L thường là các cán bộ điều hành tour hoặc sale của chính các công ty du lịch. Với lợi thế hiểu rõ sản phẩm, hành trình của tour, thêm vào đó việc làm cho chính công ty của mình, khách hàng mình khai thác (HDV có thẻ thường cộng tác và chạy tour cho nhiều công ty khác nhau mới bảo đảm thu nhập), đặc biệt hiểu rõ tính chất khách hàng của mỗi tour là yếu tố khiến họ cẩn trọng hơn, giữ mối quan hệ và chăm sóc khách hàng tốt hơn HDV thuê ngoài.

Rèn luyện tính cách để thích nghi

Trong nghề HDV, đặc biệt HDV Outbound – luôn làm việc trong những môi trường văn hóa thay đổi, môi trường sống thay đổi, buộc phải rèn luyện cho mình những tính cách cá nhân – điều có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hướng dẫn. Đôi khi nó còn quan trọng hơn nhiều so với việc bạn có nhiều kiến thức, hiểu biết hay không. Có 4 loại tính cách chính của nghề HDV:

- Tính cách Cảnh sát: Khi bạn có tính cách này bạn có xu hướng luôn liệt kê các luật lệ và thông điệp của các vùng, điểm đến và "đe dọa" khách không nên vi phạm. Với tính cách này thì khách sẽ có cảm giác không thoải mái trong khi thực hiện chuyến đi. Điều này tất yếu sẽ làm cho khách không những không còn cảm thấy thú vị trong lần đi đó mà còn có ấn tượng không đẹp cho lần đi sau hay là cho các khách khác.

- Biết tất cả: HDV thuộc loại này thường tập trung vào những gì họ biết và nói quá chi tiết về vấn đề đó cho dù khách có thể không quan tâm đến .Với loại tính cách này, đôi khi khách sẽ cảm thấy tự ái hoặc bị gò bó phải nghe theo những gì HDV trình bày. Do vậy hiệu quả của việc trình bày nội dung hướng dẫn đến cho khách chắc chắn sẽ không cao.

- Máy móc (Robot): Lặp lại thông tin một cách máy móc, thuộc lòng khi giới thiệu với mọi đoàn khách. Thông tin cho giới thiệu cho đoàn trước đoàn sau giống nhau với mọi lúc, mọi nơi đã đưa khách đến. HDV có tính cách thuộc loại này thích với hướng dẫn các phòng trưng bày, khu di tích lịch sử. Trong các chuyến tham quan khám phá thiên nhiên hoặc ở nước ngoài thì việc phát hiện và tìm hiểu những điều bất ngờ, mới lạ mới thật sự hấp dẫn lôi cuốn du khách chứ không phải việc lặp lại mọi thông tin HDV có.

- Chủ nhà: Chào đón du khách như những người khách đến thăm nhà mình. HDV có tính cách này thường rất thân mật, cởi mở trong trò chuyện, trình bày các nội dung hướng dẫn cũng như khi khách hỏi về các nội dung đã có hay chưa có trong kế hoạch của chuyến đi. Với tính cách làm việc như vậy thì khách sẽ dễ có cảm tình hơn và cũng dễ dàng cảm thông hơn với những sai sót có thể xảy ra khi thực hiện hướng dẫn. Đồng thời, khi khách đã có thiện cảm thì người hướng dẫn sẽ dễ có những cơ hội để khách trao đổi những kinh nghiệm hay kiến thức mà khách có được trong quá trình đi tham quan hay trong cuộc sống mà họ tích luỹ được.

Chuyến tham quan hiển nhiên là có hiệu quả nhất nếu hướng dẫn viên thể hiện vai trò chủ nhà. Điều này không phải luôn dễ dàng mà đòi hỏi bạn phải tận tâm và xem như một nghề nghiệp thật sự mới đạt được. Tuy vậy, nếu nhóm khách đã có thích thú thì lúc đó công việc của hướng dẫn viên càng dễ dàng và thú vị hơn. Những T/L thường dễ tạo được tính cách này hơn cả.
Kiên trì, chịu khó, luôn hòa đồng với mọi người là đức tính cần có của một hướng dẫn viên du lịch

Những thử thách

Điểm hấp dẫn của nghề HDV có lẽ ai cũng biết: Đi nhiều nơi, nhiều trải nghiệm, giúp bạn có nhiều kỹ năng sống hơn, gặp gỡ được nhiều người và nhiều nền văn hóa khác nhau.... Đặc biệt là việc đặt chân đến nhiều vùng đất mới trên thế giới, cơ hội trải nghiệm những kỳ thú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ, mà không phải người nào cũng có cơ hội. Tuy nhiên mặt trái của nghề HDV thì không phải ai cũng hiểu:

- Bạn phải đối phó và thích nghi với việc thay đổi múi giờ nếu hành trình của bạn là những chuyến đi dài, vượt đại dương. Bạn có thể sẽ mất ngủ 1-2 ngày là điều bình thường.

- Bạn có thể phải đứng ra thông dịch hay làm chứng, giải quyết các vấn đề rắc rối của khách hàng trong chuyến đi, điều này đôi khi khiến bạn không phải là người gây ra rắc rối nhưng luôn là người gánh chịu.

- Vấn đề lớn nhất của HDV gặp phải chính là vấn đề thời gian. Trừ khi bạn là HDV tại điểm đến địa phương bạn đang sống, còn nói chung dù là HDV loại nào đi nữa bạn sẽ phải vắng nhà thường xuyên, thời gian dành cho gia đình rất hạn chế, đặc biệt những bạn là HDV Outbound 1 tháng thời gian ở nhà chỉ vài ngày. Đây có lẽ là lý do bạn chỉ nên làm HDV khi còn độc thân?

- Di chuyển nhiều, ăn nhanh, uống nhanh, áp lực phải chăm sóc và hòa giải nhiều mối quan hệ một lúc ...khiến cho sức khỏe của bạn ảnh hưởng ít nhiều. Đa số các bạn HDV chuyên nghiệp thường xuyên phải đối phó với các vấn đề về tiêu hóa, stress...

Để thành công thì làm nghề gì cũng cần phải có sự đam mê. Tuy nhiên sự khắc nghiệt và ưu đãi đặc trưng của nghề HDV du lịch cần một sự đam mê và nhiệt huyết nhiều hơn. Bạn muốn đến mọi nơi trên thế giới mà không cần tiền? Hãy làm HDV du lịch.

 

JTEC JAPAN TỔNG HỢP

TAGS :

Khám phá Nhật Bản